“LÀM NÔNG CẢ ĐỜI KHÔNG BẰNG TIỀN LỜI LÔ ĐẤT”

Cả đời gắn bó với đồng ruộng nhưng cuối cùng, nhiều người nông dân nhận ra, cuộc sống của họ chỉ thực sự thay đổi nhờ tiền lời của lô đất. Điều mà họ chưa từng nghĩ tới cho tới khi sốt đất xuất hiện ở chính quê hương mình.

Nếu giá đất không lên, gia đình bà Nguyễn Củng (Hải Dương) có lẽ vẫn vậy. Mỗi năm 2 mùa trồng lúa, lúc nào cũng chờ đợi thấp thỏm xem “năm này có được mùa”. Nhưng nghịch lý của nghề nông đó là năm nào được mùa thì giá thóc lại rẻ. Ngược lại, năm nào mất mùa thì giá thóc lại đắt. 

Hơn 30 năm bán mặt cho ruộng đồng thì cũng từng ấy năm, bà Củng đều tất bật với việc cấy hái, thu hoạch. Bà nhẩm tính, trung bình mỗi vụ, bà thu được khoảng 11 triệu đồng (đã trừ đi công của bà và 2 thành viên khác trong gia đình, tiền giống, tiền thuê làm ruộng, thu hoạch).

Số tiền này, bà cũng chắt bóp chi tiêu lắm mới có thể nuôi được 2 đứa con học đại học. Cuối năm, bà còn tranh thủ trồng thêm các loại cây rau, cỏ vụ mùa.

Làm nông cả đời không bằng tiền lời lô đất - Ảnh 1.
Nhiều mảnh đời bỗng thay đổi nhờ sốt đất đi qua.

Mức thu nhập ít ỏi khiến cho căn nhà cấp 4 nhà bà xây từ năm 1997 xập xệ mãi chưa thay nhà mới. Bà Củng từng nghĩ, căn nhà mà xây muốn xây mới chắc chờ đến khi con trai bà làm việc trên Hà Nội dư giả về cho bố mẹ tiền. Nghĩ là vậy, nhưng bà đoán chắc đó là khoảng thời gian rất dài và xa vì hiện tại cuộc sống của gia đình con trai bà còn nhiều khó khăn.

Chẳng ai nói được chữ ngờ. Cuối năm 2019, khi cơn sốt đất bùng lên ở nhiều địa phương, mảnh đất rộng được các cụ thân sinh để lại của gia đình bà Củng lại nằm sát dự án. Hơn 300m2 đất tưởng chỉ để trồng cây, lại hóa thành “tấc vàng”.

“Trước tôi còn bảo cho con trai một nửa mảnh để sau về xây nhà ở. Nhưng bọn nó chê và nói thích ở Hà Nội. Ai ngờ, nhờ có dự án nằm cạnh mà lô đất nhà tôi bán được hơn 2 tỷ đồng. Cả đời tôi chả nghĩ có được số tiền lớn như vậy. Làm bạc mặt với ruộng đồng chẳng bằng tiền lãi bán đất”, bà Củng chia sẻ.

Bà Củng chia sẻ, hơn 2 tỷ bà dành 800 triệu xây dựng lại ngôi nhà cho khang trang. Bà cho mỗi đứa con 300 triệu đồng. Số tiền còn lại bà gửi tiết kiệm để lấy lãi, an dưỡng tuổi già. Bà cũng dừng việc làm ruộng để lên ở cùng với đứa con trai cả.

“May mà nhờ giá đất lên, gia đình tôi mới khấm khá. Nếu không, chắc gần 60 tuổi, tôi vẫn phải quần quật đi cây hái”, bà Củng nói.

Cũng như bà Củng, nhờ nhà đầu tư, cò đất đổ về, gia đình chị Trần Đượm nhanh chóng kiếm tiền tỷ nhờ lô đất gần sát ven đường. Chị Đượm đi làm công nhân đã được 5 năm, còn chồng chị ở nhà làm hàn xì.

Nhiều mảnh đời bỗng thay đổi nhờ sốt đất đi qua.

Chị kể, lương công nhân cày tăng ca sáng tối chỉ được 9 triệu đồng. Chưa kể dịch như hiện tại, chị còn phải nghỉ gián đoạn. Giả sử,không tính chi phí ăn, sinh hoạt hàng ngày hay tiền nuôi con, và sức lao động không đổi chị Đượm phải mất khoảng 9 năm mới có thể kiếm 1 tỷ đồng. “Tính toán là vậy nhưng làm công nhân được ngày nào biết ngày đó. Lỡ ốm đau một chút là bay cả tiền tiết kiệm cả năm”. Gần 40 tuổi, sức khỏe suy giảm, chị Đượm từng thở dài khi nghĩ tới tương lai. Nhưng đầu năm 2020, gia đình chị quyết định bán đi lô đất ở gần sát đường lớn.

“Trước đất làng thì chẳng ai quan tâm. Chẳng hiểu sao tự dưng giá đất lên thế. Người dân ngoại tỉnh cứ về đây hỏi mua đất, càng khiến giá lên cao. May nhà tôi bán đất, có được tiền hơn 1 tỷ đồng”. Với số tiền này, chị Đượm bỏ ra khoản nhỏ sửa sang và mua sắm đồ dùng gia đình. Số tiền dư, chị tính gửi ngân hàng để kiếm lãi mỗi tháng.

“Bây giờ, tôi bớt căng thẳng khi đi làm vì đã có sẵn một khoản tiết kiệm ổn định. Nghĩ bao nhiêu năm làm công nhân cũng chẳng thể bằng tiền lời lô đất. May nhờ nhiều người đầu tư thích đất mà gia đình tôi mới có cơ hội đổi đời”, chị Đượm kể.

Câu chuyện của bà Củng và chị Đượm chỉ là 2 trong rất nhiều những “mảnh đời” bất ngờ thay đổi nhờ cơn sốt đất đi qua. Những lô đất tưởng chừng chỉ để “dành” cho con cháu lập nghiệp ở quê, để trồng cây ăn quả… thì nay lại hóa “tấc vàng” mang về khoảng lời tiền tỷ cho các gia đình. Với họ, nhờ số tiền lời từ đất, căn nhà cũ được sửa sang khang trang. Với nhiều người nông dân, đó là khoản tích lũy dành cho tuổi già đủ để khiến họ tự tin “về hưu”.

Hải Nam

Theo Nhịp sống kinh tế